Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ Chữ_Nôm

Trích từ cuốn từ điển song ngữ Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị dùng ba loại văn tự: chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, và giải nghĩa bằng tiếng Latinh.

Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ là hai hệ chữ dùng để viết tiếng Việt, chúng có vai trò khác nhau trong dòng lịch sử và văn hóa. Chữ Quốc ngữ được các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam sáng chế dựa trên ký tự Latinh vào nửa đầu thế kỷ 17 và suốt một thời gian dài tới cuối thế kỷ 19 chỉ được lưu hành trong giới Công giáo. Tuy nhiên, trái với nhiều người lầm tưởng, trong thời kỳ này, lượng văn thư Kitô giáo chữ Nôm vượt xa chữ Quốc ngữ,[17] và sách chữ Nôm vẫn được người Công giáo sử dụng cho đến giữa thế kỷ 20.[18]

Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa muốn tăng cường ảnh hưởng của tiếng Pháp và hạn chế ảnh hưởng của Hán học cùng với chữ Hán. Sự giảm sút của chữ Hán cũng dẫn đến sự suy giảm của chữ Nôm. Về văn tự thay thế để viết tiếng Việt, họ bất đắc dĩ phải chấp nhận sự hiện hữu của chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha chế tạo.[14] Bất chấp việc chính quyền Pháp cổ súy chữ Quốc ngữ cho mục đích của họ, các sĩ phu vận động ủng hộ chữ Quốc ngữ trong công cuộc phổ biến tân học và lan truyền tư tưởng yêu nước.[15]

Các phong trào cải cách như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chữ Quốc ngữ. Ngày nay, tiếng Việt hầu như được viết hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, trong khi đó chỉ rất ít người, chủ yếu là các học giả, có thể đọc viết được chữ Nôm. Một số người cho rằng chữ Quốc ngữ đã làm lu mờ vị thế của chữ Nôm nhưng một số khác thì nhấn mạnh rằng về mặt kỹ thuật, hai hệ chữ này không loại trừ nhau, nghĩa là, người ta vẫn có thể biết chữ Quốc ngữ đồng thời học chữ Nôm vì điều này không ai ngăn cấm cả.